Có những người bán vé số "nghèo nhưng không hèn". Câu chuyện về lòng tự trọng của bà lão bán vé số nghèo trên vỉa hè phố sẽ khiến bất cứ ai cũng phải suy ngẫm...
Trời vào xế chiều, cũng là giờ tan tầm. Trên vỉa hè con phố nhỏ thi thoảng lại có vài tốp học sinh kéo nhau đi qua. Vài người tránh tắc nghẽn dưới lòng đường đã phi cả xe đi lên vỉa hè. Thi thoảng thì lại có dăm bảy người ghé các quán trà đá, quán tạp hóa trên hè phố dừng làm cốc chè coi đá bóng, hay mua ít đồ rồi đi vội.
Ngày nào bà lão bán vé số cũng lang thang quanh khu đó. Bà cứ đi hết từ đầu phố đến cuối phố, thi thoảng có ghé tạt vào mấy quán ăn vỉa hè mời chào mua xổ số nhưng nếu người ta tỏ thái độ không mua, bà tuyệt nhiên không nài kéo. Không chỉ bởi vậy mà người dân quanh khu phố này có thiện cảm với bà lão hơn những người bán vé số khác. Mà còn bởi những hành động nhỏ nhưng khiến người khác đôi khi phải xấu hổ của bà.
Thường thì cứ vào tầm chiều tối, mấy quán nước bên rìa đường bắt đầu là điểm tụ tập của những người ngồi tra xổ số đã mua trong ngày. Tất nhiên rằng người trúng thì ít, người không trúng thì nhiều. Do đó mà số lượng vé vứt ra vỉa hè có hôm cũng thành lượt dày. Được cái khu phố này người ta chịu mua xổ số lắm, người Sài Gòn mà. Bởi thế nên xổ số miền Nam cũng bán chạy hơn. Không chỉ có người ngồi quán nước, những người đi đường cũng tiện đi qua rút vé số ra tra rồi vung tay ném tứ tung, mặc cho cái thùng rác công cộng đặt ngay dưới gốc cây bàng gần đó.
Ảnh minh họa |
Thế là hàng ngày sau khi kết thúc một ngày bán xổ số, bà lão nghèo với chiếc áo nâu vá đôi ba miếng lại cặm cụi đi nhặt từng tờ vé số vứt trên đường. Ban đầu người ta tưởng bà nhặt để lừa bịp bán lại, có người lại tưởng bà nhặt để so lại kết quả biết đâu vớ may có người vứt đi nhầm lại trúng. Ấy nhưng bà nhặt nhạnh từng tờ trên vỉa hè chỉ để bỏ vào thùng rác.
Có người hỏi sao bà phải làm vậy, đêm nào chẳng có lao công đi quét rác. Bà chỉ từ tốn trả lời: “Người ta mua vé số của tôi, không trúng thì người ta quẳng đi, rồi giẫm lên hay mưa gió nó bẩn đường. Tôi về sớm cũng chẳng làm gì, nhặt rác bỏ vào thùng cho sạch đường”. Thế là từ đó người ta bắt đầu bớt vứt vé số không trúng ra lề đường hơn, tuy rằng vẫn có vài người đi đường tiện tay vẫn vứt.
Một lần khác giữa trưa, bà lão ngồi nghỉ trưa dưới gốc cây bên rìa một quán tạp hóa tránh nắng. Bà để bên cạnh chiếc nón rách, thi thoảng lại cầm lên phẩy cho mát. Gió từ những tán cây thổi xuống khiến mắt bà cũng lim rim. Rồi bà nghe tiếng bước chân đi đến cộc cộc của đôi giày cao gót, có tiếng rì rầm gì đó và ngay sau đấy bà cảm tưởng như người ta vừa thả thứ gì vào nón của mình. Bà lão mở mắt nhìn vào nón thì thấy có dăm tờ tiền lẻ cùng đồng 2 chục ngàn polime. Bà ngẩng đầu lên thì thấy cô gái mặc váy xòe ưa nhìn đứng trước mặt, vừa quay đi sau khi bỏ tiền vào nón cho bà cụ, ngay gần đó là chàng trai đang hí hoáy dắt xe từ chỗ quán cà phê bên cạnh để ra về.
Bà liền nhanh nhảu gọi với cô gái lại, vẻ mặt của cô gái trẻ khá bất ngờ. Bà lão nhặt số tiền trong nón xếp cẩn thận, còn vuốt mấy tờ tiền lẻ cho phẳng phiu rồi đưa lại cho cô gái. Bà nói, bà bán vé số chứ bà không xin tiền. Bà tỏ vẻ cảm ơn lòng tốt của cô nhưng bà quyết không nhận tiền cho vì bà còn sức lao động, vẫn có thể bán vé số kiếm ăn qua ngày. Đoạn đến đây cô gái trẻ có vẻ ngượng ngùng, cô cầm lại số tiền bà cụ đưa và hỏi mua đôi tờ vé số cho cụ. Rồi cô lên xe với bạn trai đi về.
Thế đấy, không phải cứ nghèo và bán xổ số thì không có lòng tự trọng. Đó cũng là lý do không ít người trong khu phố nhỏ khi mua vé số của bà cũng lễ phép lịch sự, và nhiều người có đồ gì ngon cũng í ới gọi cho bà một chút. Nghèo nhưng chẳng hèn!